News
Loading...

Những Việc Nên Làm Cho Người Phụ Nữ Mang Thai

Người phụ nữ mang thai thường rất nhạy cảm với những cử chỉ, lời nói cũng như chia sẻ từ mọi người xung quanh. Bởi thời kỳ này người phụ nữ thường hay mệt mỏi hơn, lo lắng nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của thai nhi và bản thân. Vì thế bạn nên chú ý những vấn đề sau để có thể giúp người phụ nữ mang thai thoải mái nhất nhé.
Cư xử thân thiện khi gặp phụ nữ mang thai

Nên làm khi gặp phụ nữ mang thai

1. Cư xử thân thiện

Nếu như bạn đang ở trên xe buýt, xe khách hay tàu hỏa hay đang ở bến chờ, hoặc bất cứ nơi công cộng nào và nhìn thấy một phụ nữ mang thai đi gần về phía mình, hãy nhường đường cho họ. Nếu cô ấy có ý định dừng lại nơi bạn đang ngồi, nên nhường chỗ ngồi cho cô ấy. Hãy hỏi xem liệu cô ấy có cần sự giúp đỡ nào không.
Cho dù bạn là người bán hàng, hàng xóm hay đồng nghiệp… tình cờ gặp hoặc làm việc với bà bầu, hãy thân thiện và thoải mái với họ. Cách ứng xử này của bạn sẽ làm cô ấy rất vui. Cô ấy sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.
Bạn có thể hỏi xem cô ấy có cần nước uống hay không để lấy giúp. Những hành động nho nhỏ này của bạn sẽ làm cô ấy cảm động và thấy mình được mọi người quan tâm, giúp đỡ trong lúc bụng bầu ngày càng to khiến cô ấy chậm chạp và mệt mỏi.

2. Động viên cô ấy

Thay vì để ý và đưa ra những câu bình phẩm không hay làm tổn thương một phụ nữ mang thai, bạn hãy chia sẻ và động viên họ vượt qua những khó khăn của quá trình thiêng liêng và nhiều gian nan này. Sự động viên, giúp đỡ của gia đình và bạn bè sẽ khiến cô ấy yên tâm, thoải mái trong giai đoạn mang thai, tốt cho sự phát triển của em bé.
Phụ nữ khi mang thai thường xuyên mệt mỏi. Nếu có năng khiếu hài hước, bạn có thể pha trò hay nói một số câu bông đùa làm cô ấy vui vẻ. Tất nhiên cần nói đúng lúc, đúng chỗ để những câu bông đùa của bạn giúp người nghe thư giãn, vui vẻ chứ không phải làm họ khó chịu, tức giận thêm.

3. Chia sẻ có chừng mực

Bạn từng trải qua hay được người thân, bạn bè… kể cho nghe những cơn đau sẽ xảy ra trong quá trình vượt cạn. Đừng nên kể lại điều đó cho một người sắp làm mẹ. Quá trình sinh nở khiến bà bầu nào cũng lo lắng, sợ hãi và bạn không cần làm họ lo lắng hơn. Nếu được yêu cầu chia sẻ về quá trình vượt cạn, hãy kể có chừng mực thì tốt hơn.



Những việc nên hạn chế khi gặp phụ nữ mang thai

Không nên làm khi gặp phụ nữ mang thai

1. Hỏi quá nhiều về cô ấy

Dù cho bạn cảm thấy thích thú với em bé trong bụng cô ấy và muốn xoa bụng bầu của họ thì cũng không nên làm vậy. Chắc chắn ngoại trừ những người thân thiết nhất trong gia đình, cô ấy mới để họ xoa bụng bầu của mình. Bởi họ sẽ cảm thấy khó chịu và không thích khi có người lạ, người quen ở mức độ bình thường động vào đứa con nhỏ bé của mình.
Nếu không phải là người thân trong gia đình, bạn đừng bao giờ hỏi về tình trạng thai nghén hay quá trình mang thai của một bà bầu một cách quá chi tiết. Bạn sẽ làm cô ấy bối rối. Cô ấy sẽ nghĩ bạn đang tò mò, xét nét mình và không hề thoải mái khi phải trả lời những câu hỏi như vậy. Ngay cả khi bạn chắc chắn cô ấy đang mang thai 8 tháng và sắp sinh em bé thì tốt nhất cũng không nên hỏi những chuyện tế nhị như vậy. Không có vấn đề gì, tốt nhất là không nên hỏi chuyện riêng của mỗi cá nhân, trừ khi họ muốn chia sẻ với bạn.
Đối với người phụ nữ thì vóc dáng và nhan sắc vẫn luôn được quan tâm hàng đầu, bởi vậy bạn không nên nhận xét về vóc dáng của cô ấy. Cho dù trông cô ấy giống như đang mang thai đôi hay ba hoặc chỉ một em bé hay cô ấy trông quá nhỏ bé để có thể mang thai… Hãy giữ chúng trong đầu, nói rằng trông cô ấy xinh hơn, đằm thắm hơn khi mang thai hay chúc họ mẹ tròn con vuông…
Cho dù ngực của cô ấy đã lớn hơn rất nhiều so với trước hay nó chỉ tăng kích thước lên một chút trong khi mang thai, bạn cũng không nên nói về điều này với cô ấy. Họ sẽ đánh giá rằng bạn vô duyên và không mấy thích thú khi phải nghe những điều như vậy.

2. Hỏi về em bé trong bụng

Đây cũng là một trong những điều bạn không nên nói với phụ nữ mang thai nếu mối quan hệ của hai người chỉ ở mức bình thường. Hỏi em bé được bao nhiêu tháng, giới tính, sự phát triển của thai nhi… cho đến dự định sinh con kế tiếp của vợ chồng họ… Tất cả những điều này đều là câu chuyện cá nhân của mỗi người và bạn đừng biến mình thành kẻ lắm chuyện khi hỏi về chúng.

3. Nhường phần thức ăn cho cô ấy

Cho dù bạn thấy cô ấy ăn nhiều hơn, "ăn cho hai người" trong giai đoạn bầu bí, bạn cũng không cần phải chia sẻ phần thức ăn của mình cho cô ấy. Cô ấy sẽ không cảm kích bạn vì hành động này mà cảm thấy ngượng nghịu và xấu hổ. Tốt nhất là bạn hãy để bà bầu được tự nhiên, ăn theo nhu cầu và sở thích, điều đó sẽ làm cô ấy cảm thấy thoải mái.

4. Tạo áp lực

Đừng nói những câu kiểu như là: "Trời, chắc cậu đã vất vả lắm…" "Quá trình mang thai mệt mỏi lắm phải không…", sinh nở rồi nuôi dưỡng một em bé sơ sinh không phải là điều dễ dàng và đơn giản đối với bất cứ bà mẹ nào. Ai cũng có thể hiểu được điều đó. Dù câu nói của bạn thể hiện sự cảm thông hay chia sẻ… bạn cũng không nên nhắc đến chúng như vậy.
Trừ khi bạn là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này hay là bác sĩ gia đình của cô ấy, bạn không nên nhắc đến một số vấn đề như: những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình sinh nở, mối liên hệ giữa tuổi của người mẹ và bệnh tự kỷ ở trẻ… với phụ nữ mang thai. Điều này sẽ làm gia tăng nỗi lo lắng trong họ, làm họ suy nghĩ nhiều và ảnh hưởng đến giấc ngủ..
Chính việc không có suy nghĩ lạc quan sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của thai nhi và sức khỏe khi người phụ nữ mang thai.

Mong rằng với một số thông tin hữu ích chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thể chia sẻ, giúp đỡ và hỗ trợ tốt hơn khi gặp và nói chuyện với người phụ nữ mang thai. Để giúp chị em phụ nữ có sức khỏe và tâm lý thoải mái nhất trong thời kỳ quan trọng này.
Share on Google Plus

Tin Mới nhất

Những người đã xem trang như bạn

Tìm tin bạn muốn xem theo ngày